Hướng dẫn trẻ mầm non kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn

Trẻ nhỏ rất dễ trở thành những nạn nhân đầu tiên trong vụ hỏa hoạn, bởi các em không biết cách thoát hiểm trong đám cháy. Do vậy, các nhà trường cần dạy trẻ cách phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm ngay từ khi còn nhỏ.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC& CNCH), hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đặc biệt là với các trường mầm non trên địa bàn, thời gian qua, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng về PCCC và thoát nạn trong các vụ hỏa hoạn cho học sinh các bậc học trên địa bàn.

Trong đó hiệu quả nhất là đưa kỹ năng, ý thức cho trẻ nhỏ ngay trong đoạn hình thành nhận thức.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông tuyên truyền công tác phòng chống cháy nổ tại trường mầm non Hoa Sen (Văn Quán, Hà Đông)

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông tuyên truyền công tác phòng chống cháy nổ tại trường mầm non Hoa Sen (Văn Quán, Hà Đông)

Tại trường mầm non Hoa Sen, phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội), vừa diễn ra buổi tuyên truyền, thực hành các kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ. Trẻ được hướng dẫn về cách thoát nạn khi có cháy như dùng 1 tay lấy khăn che mũi, cúi người xuống và theo hướng dẫn của cô giáo để thoát ra ngoài, không hoảng loạn, hay la hét.

Đồng thời cũng dùng cách đố vui để cảnh báo trẻ không được chơi với lửa, không đưa tay vào ổ cắm điện và khi phát hiện cháy phải chạy đi báo với người lớn khi ở nhà hoặc thầy cô khi ở trường….

Đối với công tác PCCC, trường mầm non Hoa Sen đã thành lập đội PCCC cơ sở, được tập huấn hàng năm với lực lượng Cảnh sát PCCC Công an quận.

Theo cô giáo Bùi Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen: “Công tác đảm bảo an toàn PCCC được nhà trường luôn ưu tiên hàng đầu. Với các em trong lứa tuổi mầm non, cần được trang bị những kiến thức như, khi ở trong đám cháy sẽ gọi người lớn để được giúp đỡ, di chuyển như thế nào để thoát khỏi đám cháy một cách an toàn…”.

Các nhà trường cần ưu tiên trang bị phương tiện PCCC tại chỗ

Các nhà trường cần ưu tiên trang bị phương tiện PCCC tại chỗ

Theo Đại úy Nguyễn Ngọc Việt – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông, trẻ em là đối tượng dễ bị thương và tử vong trong các đám cháy do không hiểu biết về các kỹ năng thoát hiểm.

“Việc trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC cho trẻ là hết sức cần thiết, giúp trẻ tự tin, bình tĩnh và xử lý thông minh khi gặp hỏa hoạn. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ và thầy cô giáo phải thường xuyên quan tâm hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng để thoát nạn trong trường hợp xảy ra cháy, nổ”, Đại úy Nguyễn Ngọc Việt khẳng định.

Trực tiếp tham gia hướng dẫn kỹ năng cho các giáo viên và các em nhỏ,  theo Đại úy Dương Việt Phương – Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông, ở mỗi lứa tuổi khác nhau, các em được trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp, như cách nhận biết đám cháy, cách xử lý khi có cháy, cách thoát ra ngoài an toàn và tránh hít phải khói khí độc.

“Ngoài ra, đội ngũ giáo viên trong trường cũng được được hướng dẫn các kiến thức cơ bản về đảm bảo an toàn PCCC trong môi trường làm việc, thực hành cách dùng các phương tiện PCCC được trang bị tại chỗ, đặc biệt là các bước sơ tán, đưa các trẻ đang học trong lớp ra vị trí an toàn một cách nhanh chóng trong trường hợp xảy ra sự cố”, Đại úy Dương Việt Phương cho biết thêm.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn cho các cháu nhỏ ở độ tuổi mầm non

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn cho các cháu nhỏ ở độ tuổi mầm non

Cũng theo Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an quận Hà Đông, công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng trong các trường học hàng năm đều được triển khai nghiêm túc. Các nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác tuyên truyền cho giáo viên và học sinh. Từ đó đã nâng cao ý thức cho giáo viên và các em học sinh về vai trò, vị trí, tính chất và tầm quan trọng của công tác PCCC; kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy nổ, thao tác sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy mới phát sinh.…

Có thể nói đây là một trong những cách tuyên truyền hay, cụ thể và giáo dục ý thức cho trẻ ngay từ khi đang hình thành nhận thức, nâng cao hơn nữa về trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động PCCC, góp phần hạn chế cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Nguồn: vovgiaothong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *